Trang chủ » Các môn học» Chi tiết máy » Tiêu chuẩn chi tiết máy » Luật Tiêu chuẩn 2006

Luật Tiêu chuẩn 2006
2012-09-01 15:02:38

LUẬT TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT

 

Ngày 29 tháng 6 năm 2006 Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam  khoá XI, kỳ họp thứ 9 đã thông qua Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT

1. Cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội, hoạt động xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (hoạt động tiêu chuẩn hoá) trở thành một bộ phận không thể tách rời của hoạt động sản xuất, kinh doanh và quản lý kinh tế - xã hội. Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là công cụ và phương tiện quan trọng để duy trì các chuẩn mực trong các quan hệ kinh tế, thương mại; thúc đẩy doanh nghiệp quan tâm đổi mới, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; đảm bảo an toàn, vệ sinh, sức khoẻ cho con người; bảo vệ động vật, thực vật và môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng và xã hội.

Hơn 40 năm qua, hoạt động tiêu chuẩn hóa ở nước ta đã có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện đời sống nhân dân. Với một hệ thống gần 8.000 tiêu chuẩn nhà nước luôn được cải tiến và đổi mới cho phù hợp với thực tiễn [1], hơn 3.000 tiêu chuẩn ngành và hàng chục nghìn tiêu chuẩn cơ sở, hệ thống này đã trở thành công cụ hữu hiệu góp phần đắc lực phục vụ yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội của đất nước qua các thời kỳ và đưa hoạt động quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ nói chung đi vào nền nếp. Trong gần 10 năm qua, bản thân hoạt động quản lý nhà nước về tiêu chuẩn hóa cũng được đổi mới một bước về nội dung và phương thức hoạt động nhằm theo kịp với các chuyển đổi mạnh mẽ trong quản lý kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập.

Tuy nhiên, những đổi mới bước đầu đó vẫn chưa thực sự đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của một nền kinh tế đang chuyển đổi, trong bối cảnh toàn cầu hoá và gia tăng các liên kết khu vực, quốc tế. Hoạt động tiêu chuẩn hoá ở nước ta và hệ thống các quy định pháp luật hiện hành trong lĩnh vực này đang tỏ ra lạc hậu, kém hiệu quả, chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới và phát triển. Có thể nêu một số điểm bất cập cần khắc phục như sau:

- Các quy định pháp luật hiện hành về xây dựng, ban hành và áp dụng tiêu chuẩn chưa được pháp điển hoá trong một văn bản quy phạm pháp luật thống nhất, mà nằm rải rác ở nhiều văn bản khác nhau, chưa đầy đủ và đồng bộ, chưa tương thích với thông lệ quốc tế và kém hài hoà với hệ thống tiêu chuẩn của các nước phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới[2]. 

- Tổ chức hoạt động tiêu chuẩn hoá chưa phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế thị trường, còn chịu ảnh hưởng nặng nề của phương thức tiếp cận từ trên xuống vốn là đặc thù của nền kinh tế tập trung. Việc xây dựng, ban hành tiêu chuẩn quốc gia chủ yếu phục vụ yêu cầu quản lý của các cơ quan nhà nước mà chưa thu hút được sự tham gia rộng rãi của các doanh nghiệp. Chưa có cơ chế xã hội hoá hoạt động xây dựng tiêu chuẩn để huy động được các nguồn lực xã hội.

- Hệ thống tiêu chuẩn 3 cấp hiện hành (tiêu chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn ngành và tiêu chuẩn cơ sở)[3] mà không có hệ thống quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng dẫn đến nhiều bất cập trong quá trình áp dụng. Thực chất, tiêu chuẩn Việt Nam và tiêu chuẩn ngành là như nhau về đối tượng, phạm vi áp dụng và cấp thẩm quyền ban hành; điều này dẫn tới sự chồng chéo, thiếu nhất quán về đối tượng và nội dung tiêu chuẩn hóa, không bảo đảm được các yêu cầu về nghiệp vụ xây dựng tiêu chuẩn và chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Nhiều tiêu chuẩn lạc hậu so với thực tiễn, mức độ hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế còn thấp[4].

2. Thực tiễn phát triển đòi hỏi phải có các thay đổi mạnh mẽ hơn nữa trong hoạt động tiêu chuẩn hóa, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa, dịch vụ trong nước, khơi thông và phát triển các quan hệ kinh tế, thương mại song phương và đa phương với các nước trong tiến trình hội nhập.

Đặc biệt, trong bối cảnh mở cửa nền kinh tế để phát triển và hội nhập, Nhà nước không thể quản lý, bao quát được chất lượng của hàng triệu mặt hàng với nhiều chủng loại, mẫu mã đa dạng, phong phú mà cần sự tham gia và chia sẻ trách nhiệm của các doanh nghiệp. Một mặt, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân phải được tham gia vào quá trình xây dựng, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và tự chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm, hàng hoá của mình, mặt khác, Nhà nước phải đổi mới tư duy quản lý về tiêu chuẩn hoá cũng như phương pháp tiếp cận về quản lý chất lượng thì mới theo kịp và đáp ứng được các yêu cầu của thực tiễn. 

Với tinh thần đó, việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật là hết sức cần thiết và cấp bách nhằm đổi mới toàn diện và thống nhất điều chỉnh hoạt động tiêu chuẩn hoá, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh của nền kinh tế, thúc đẩy tiến trình gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thực hiện Hiệp định Hàng rào kỹ thuật trong thương mại (TBT/WTO), bảo vệ được lợi ích quốc gia và lợi ích của các doanh nghiệp trong nước trước sức ép của cạnh tranh toàn cầu và tự do hoá thương mại, đồng thời, thu hút đầu tư và chuyển giao công nghệ từ nước ngoài vào Việt Nam phục vụ cho giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO VÀ MỤC TIÊU XÂY DỰNG LUẬT TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT

1. Quan điểm chỉ đạo xây dựng Luật

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật được soạn thảo theo tinh thần quán triệt các quan điểm chỉ đạo cơ bản sau đây:

- Thể chế hoá kịp thời các chủ trương của Đảng và Nhà nước ta về phát triển hoạt động tiêu chuẩn hoá phục vụ các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế.

- Đổi mới toàn diện tổ chức, nội dung, phương thức hoạt động tiêu chuẩn hóa theo hướng thống nhất đầu mối quản lý, giản lược các cấp tiêu chuẩn, áp dụng linh hoạt chế độ tiêu chuẩn tự nguyện áp dụng và quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng,... nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, tạo bước tiến rõ rệt về năng suất, chất lượng của các sản phẩm, dịch vụ trong nước, thúc đẩy năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế.

- Bảo đảm sự quản lý thống nhất của Nhà nước cũng như quyền lợi và trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong hoạt động tiêu chuẩn hóa. Kế thừa các quy định pháp luật hiện hành về tiêu chuẩn hóa đã được thực tiễn kiểm nghiệm và tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm pháp luật của các nước để vận dụng phù hợp với tình hình Việt Nam.

2. Mục tiêu cơ bản của Luật

- Điều chỉnh việc xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn; xây dựng, ban hành, áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

- Đổi mới toàn diện hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật, nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với chất lượng sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ của mình thông qua nguyên tắc tự nguyện áp dụng tiêu chuẩn, xây dựng tiêu chuẩn cơ sở và chủ động công bố hợp chuẩn; cơ chế bắt buộc áp dụng chỉ thực hiện với hệ thống các quy chuẩn kỹ thuật do các Bộ, ngành, địa phương ban hành trong từng lĩnh vực chuyên ngành. Nhà nước không phân biệt đối xử, không cản trở hoạt động sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi và khuyến khích mọi tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư và phát triển hoạt động tiêu chuẩn hóa.

- Đơn giản hóa hệ thống tiêu chuẩn thành hai cấp gồm tiêu chuẩn quốc gia và tiêu chuẩn cơ sở, đồng thời, quy chuẩn kỹ thuật bắt buộc áp dụng cũng gồm hai cấp là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy chuẩn kỹ thuật địa phương. Hệ thống này sẽ thay thế và giải quyết được các mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống tiêu chuẩn 3 cấp (quốc gia - ngành - cơ sở) như hiện nay. Lộ trình chuyển đổi tiêu chuẩn ngành thành tiêu chuẩn quốc gia hoặc quy chuẩn kỹ thuật quốc gia sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.

-Thống nhất về một đầu mối đối với thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia và cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn để giảm thiểu sự cồng kềnh, chồng chéo và nâng cao hiệu quả của toàn hệ thống, phù hợp với thông lệ quốc tế.

- Giao cho các Bộ (cơ quan ngang Bộ) quản lý chuyên ngành về thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Như vậy, vai trò quản lý của các Bộ thể hiện ở việc xây dựng và phê duyệt các tiêu chuẩn quốc gia cũng như xây dựng và ban hành các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia. Hiệu quả quản lý nhà nước ở từng lĩnh vực chuyên ngành phụ thuộc vào việc thực hiện thẩm quyền này. Việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước của các Bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan này đối với các lĩnh vực chuyên ngành được phân công.

III. NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TIÊU CHUẨN VÀ QUY CHUẨN KỸ THUẬT

1. Cấu trúc của Luật:

Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật gồm 7 chương, 71 điều.

Chương I. Những quy định chung (gồm 9 điều, từ Điều 1 đến Điều 9);

Chương II. Xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn (gồm 16 điều, từ Điều 10 đến Điều 25);

Chương III. Xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật (gồm 14 điều, từ Điều 26 đến Điều 39);

Chương IV. Đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (gồm 5 mục, 18 điều, từ Điều 40 đến Điều 57);

Chương V. Trách nhiệm của cá cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật (gồm 6 điều, từ Điều 58 đến Điều 63);

Chương VI. Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật (gồm 5 điều, từ Điều 64 đến Điều 68);

Chương VII. Điều khoản thi hành (gồm 3 điều, từ Điều 69 đến Điều 71).

2. Nội dung cơ bản của Luật

Chương I. Những quy định chung

Chương này quy định những vấn đề có tính nguyên tắc chung, chi phối toàn bộ nội dung của Luật, bao gồm: phạm vi và đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; áp dụng pháp luật; đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; nguyên tắc cơ bản của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; chính sách của Nhà nước về phát triển hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; hợp tác quốc tế về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; những hành vi bị nghiêm cấm trong lĩnh vực tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Về phạm vi điều chỉnh, Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định về hoạt động xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn; xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Đối tượng áp dụng của Luật là tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài có hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam.

Những đối tượng trên khi có hoạt động liên quan đến tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật tại Việt Nam phải tuân theo các quy định của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật. Trong trường hợp có sự khác nhau giữa quy định của Luật này với quy định của luật khác về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật thì áp dụng quy định của Luật này; trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này thì áp dụng quy định của điều ước quốc tế đó.

Đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật bao gồm: sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường; các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội. Chính phủ quy định chi tiết về đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật (Điều 5).

Để đảm bảo hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật, Điều 9 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã quy định các hành vi bị nghiêm cấm, cụ thể:

- Lợi dụng hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật để cản trở, gây phiền hà, sách nhiễu đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh, thương mại của tổ chức, cá nhân.

- Thông tin, quảng cáo sai sự thật và các hành vi gian dối khác trong hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật.

- Lợi dụng hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật để gây phương hại đến lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

Chương II. Xây dựng, công bố và áp dụng tiêu chuẩn.

Chương này quy định hệ thống tiêu chuẩn và ký hiệu tiêu chuẩn; trách nhiệm xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn; loại tiêu chuẩn; căn cứ xây dựng tiêu chuẩn; quy hoạch, kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; quyền của các tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; ban kỹ thuật tiêu chuẩn quốc gia; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia; nội dung thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia; xây dựng, công bố tiêu chuẩn cơ sở; xuất bản và phát hành tiêu chuẩn; thông báo, phổ biến tiêu chuẩn quốc gia; nguyên tắc áp dụng tiêu chuẩn; phương thức áp dụng tiêu chuẩn; nguồn kinh phí xây dựng tiêu chuẩn.

Hệ thống tiêu chuẩn và ký hiệu tiêu chuẩn của Việt Nam bao gồm:

- Tiêu chuẩn quốc gia, ký hiệu là TCVN;

- Tiêu chuẩn cơ sở, ký hiệu là TCCS.

Hệ thống tiêu chuẩn được đơn giản hoá chỉ còn 2 cấp quốc gia và cơ sở. Hệ thống này sẽ thay thế và giải quyết được các mâu thuẫn, chồng chéo của hệ thống tiêu chuẩn 3 cấp (quốc gia – ngành – cơ sở) tồn tại từ trước tới nay. Lộ trình chuyển đổi tiêu chuẩn ngành thành tiêu chuẩn quốc gia sẽ được Chính phủ quy định cụ thể.

Thẩm quyền công bố tiêu chuẩn quốc gia và cơ quan quản lý nhà nước về tiêu chuẩn được thống nhất về một đầu mối là Bộ Khoa học và Công nghệ để giảm thiểu sự cồng kềnh, chồng chéo và nâng cao hiệu quả của toàn bộ hệ thống, phù hợp với thông lệ quốc tế, cụ thể như sau:

- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức xây dựng dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và đề nghị thẩm định, công bố tiêu chuẩn quốc gia.

- Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo tiêu chuẩn quốc gia và công bố tiêu chuẩn quốc gia.

- Các tổ chức xây dựng và công bố tiêu chuẩn cơ sở bao gồm: tổ chức kinh tế; cơ quan nhà nước;  đơn vị sự nghiệp; tổ chức xã hội - nghề nghiệp (Điều 11).

Điều 12 quy định các loại tiêu chuẩn gồm: tiêu chuẩn cơ bản; tiêu chuẩn thuật ngữ; tiêu chuẩn yêu cầu kỹ thuật; tiêu chuẩn phương pháp thử; tiêu chuẩn ghi nhãn, bao gói, vận chuyển và bảo quản.

Tiêu chuẩn được xây dựng dựa trên một hoặc những căn cứ sau:

- Tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực, tiêu chuẩn nước ngoài;

- Kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ, tiến bộ kỹ thuật;

- Kinh nghiệm thực tiễn;

- Kết quả đánh giá, khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm tra, giám định (Điều 13).

Điều 21 của Luật quy định trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức trong việc xuất bản và phát hành tiêu chuẩn :

- Bộ Khoa học và Công nghệ giữ quyền xuất bản và phát hành tiêu chuẩn quốc gia.

- Cơ quan đại diện của Việt Nam tham gia tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực về tiêu chuẩn thực hiện việc xuất bản, phát hành tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực theo quy định của tổ chức đó.

Việc xuất bản, phát hành tiêu chuẩn của tổ chức quốc tế, tổ chức khu vực mà Việt Nam không là thành viên và tiêu chuẩn nước ngoài được thực hiện theo thoả thuận với tổ chức ban hành tiêu chuẩn đó.

- Tổ chức công bố tiêu chuẩn cơ sở giữ quyền xuất bản và phát hành tiêu chuẩn cơ sở.

Bộ Khoa học và Công nghệ có trách nhiệm thông báo công khai việc công bố tiêu chuẩn quốc gia và việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ tiêu chuẩn quốc gia trong thời hạn ít nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định; chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ tổ chức phổ biến, hướng dẫn áp dụng tiêu chuẩn quốc gia; định kỳ hàng năm phát hành danh mục tiêu chuẩn quốc gia (Điều 22).

Điều 23 quy định rõ tiêu chuẩn được áp dụng trên nguyên tắc tự nguyện. Tiêu chuẩn được sử dụng làm cơ sở cho hoạt động đánh giá sự phù hợp (Điều 24).

Chương III. Xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật.

Chương này quy định về hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật; trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; loại quy chuẩn kỹ thuật; quy hoạch, kế hoạch xây dựng quy chuẩn kỹ thuật; căn cứ xây dựng quy chuẩn kỹ thuật; quyền của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng quy chuẩn kỹ thuật; trình tự, thủ tục xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật; nội dung thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; hiệu lực thi hành quy chuẩn kỹ thuật; rà soát, sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ quy chuẩn kỹ thuật; thông báo, phổ biến, đăng ký, xuất bản, phát hành quy chuẩn kỹ thuật; trách nhiệm áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; nguyên tắc, phương thức áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; nguồn kinh phí xây dựng quy chuẩn kỹ thuật.

Hệ thống quy chuẩn kỹ thuật và ký hiệu quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam bao gồm:

- Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, ký hiệu là QCVN;

- Quy chuẩn kỹ thuật địa phương, ký hiệu là QCĐP.

Thẩm quyền ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia được giao cho các bộ (cơ quan ngang bộ) quản lý chuyên ngành. Luật cũng cho phép Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương trong một số trường hợp đặc biệt. Việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật gắn với trách nhiệm quản lý nhà nước của các bộ, ngànhy, địa phương sẽ góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả và vai trò quản lý nhà nước của các cơ quan này đối với các lĩnh vực chuyên ngành được phân công. Điều 27 quy định về trách nhiệm xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cụ thể như sau:

- Đối với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia:

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tổ chức xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công quản lý;

+ Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức thẩm định dự thảo quy chuẩn kỹ thuật quốc gia;

+ Chính phủ quy định việc xây dựng, thẩm định, ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia mang tính liên ngành và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật thuộc trách nhiệm quản lý của cơ quan thuộc Chính phủ.

- Đối với quy chuẩn kỹ thuật địa phương:

+ Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương xây dựng và ban hành quy chuẩn kỹ thuật địa phương để áp dụng trong phạm vi quản lý của địa phương đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình đặc thù của địa phương và yêu cầu cụ thể về môi trường cho phù hợp với đặc điểm về địa lý, khí hậu, thuỷ văn, trình độ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương;

+ Quy chuẩn kỹ thuật địa phương được ban hành sau khi được sự đồng ý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định tại điểm a khoản 1 Điều này.

Quy chuẩn kỹ thuật bao gồm các loại sau: quy chuẩn kỹ thuật chung; quy chuẩn kỹ thuật an toàn; quy chuẩn kỹ thuật môi trường; quy chuẩn kỹ thuật quá trình; quy chuẩn kỹ thuật dịch vụ (Điều 28).

Điều 36 quy định về trách nhiệm thông báo, phổ biến, đăng ký, xuất bản, phát hành quy chuẩn kỹ thuật, cụ thể :

- Cơ quan ban hành quy chuẩn kỹ thuật có trách nhiệm thông báo công khai việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật và việc sửa đổi, bổ sung, thay thế, huỷ bỏ quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn ít nhất là ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định; tổ chức phổ biến, hướng dẫn và triển khai áp dụng quy chuẩn kỹ thuật; gửi văn bản quy chuẩn kỹ thuật đến Bộ Khoa học và Công nghệ để đăng ký; xuất bản, phát hành quy chuẩn kỹ thuật.

- Bộ Khoa học và Công nghệ phát hành định kỳ hằng năm danh mục quy chuẩn kỹ thuật.

Điều 38 của Luật quy định quy chuẩn kỹ thuật được áp dụng bắt buộc và được sử dụng làm cơ sở cho hoạt động đánh giá sự phù hợp.

Chương IV. Đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.

Chương này quy định về yêu cầu cơ bản đối với đánh giá sự phù hợp; hình thức đánh giá sự phù hợp; yêu cầu đối với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dùng để đánh giá sự phù hợp; dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy; chứng nhận hợp chuẩn; công bố hợp chuẩn; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp chuẩn; chứng nhận hợp quy; công bố hợp  quy; quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp quy; các tổ chức chứng nhận phù hợp; điều kiện hoạt động của tổ chức chứng nhận phù hợp; quyền và nghĩa vụ của tổ chức chứng nhận sự phù hợp; hoạt động công nhận; tổ chức công nhận; quyền và nghĩa vụ của tổ chức công nhận; quyền và nghĩa vụ của tổ chức được công nhận; thoả thuận thừa nhận lẫn nhau.

Mục 1. Quy định chung về đánh giá sự phù hợp:

Điều 40 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định yêu cầu cơ bản đối với đánh giá sự phù hợp gồm:

- Bảo đảm thông tin công khai, minh bạch cho các bên có liên quan về trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp;

- Bảo mật thông tin, số liệu của tổ chức được đánh giá sự phù hợp;

- Không phân biệt đối xử đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hoặc nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình.

- Trình tự, thủ tục đánh giá sự phù hợp phải hài hoà với quy định của tổ chức quốc tế có liên quan.

Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật dùng để đánh giá sự phù hợp phải quy định đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý cụ thể có thể đánh giá được bằng các phương pháp và phương tiện hiện có ở trong nước hoặc nước ngoài (Điều 42).

Mục 2. Đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn:

Chứng nhận hợp chuẩn là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn phù hợp với tiêu chuẩn tương ứng.

Theo quy định của Điều 44, chứng nhận hợp chuẩn được thực hiện theo thỏa thuận của tổ chức, cá nhân có nhu cầu chứng nhận với tổ chức chứng nhận sự phù hợp quy định tại Điều 50 của Luật; Tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực hoặc tiêu chuẩn nước ngoài đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 42 của Luật.

Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp chuẩn có quyền và nghĩa vụ sau:

- Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp chuẩn có các quyền: lựa chọn tổ chức chứng nhận sự phù hợp; được cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường đã được chứng nhận hợp chuẩn; sử dụng dấu hợp chuẩn trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói của sản phẩm, hàng hoá, trong tài liệu về sản phẩm, hàng hoá đã được chứng nhận hợp chuẩn; khiếu nại về kết quả chứng nhận hợp chuẩn, vi phạm của tổ chức chứng nhận sự phù hợp đối với hợp đồng chứng nhận hợp chuẩn.

- Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp chuẩn có các nghĩa vụ: bảo đảm sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường với tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn; thể hiện đúng các thông tin đã ghi trong giấy chứng nhận hợp chuẩn trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói của sản phẩm, hàng hóa, trong tài liệu về đối tượng đã được chứng nhận hợp chuẩn; thông báo cho tổ chức chứng nhận sự phù hợp khi có sửa đổi, bổ sung tiêu chuẩn dùng để chứng nhận hợp chuẩn; trả chi phí cho việc chứng nhận hợp chuẩn (Điều 46).

Mục 3. Đánh giá sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật:

 Chứng nhận hợp quy là việc xác nhận đối tượng của hoạt động trong lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

Điều 47 quy định: chứng nhận hợp quy được thực hiện bắt buộc đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường thuộc đối tượng quy định trong các quy chuẩn kỹ thuật tương ứng. Quy chuẩn kỹ thuật dùng để chứng nhận hợp quy là quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy chuẩn kỹ thuật địa phương đáp ứng yêu cầu quy định tại Điều 42 của Luật. Bộ, cơ quan ngang bộ, Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 27 của Luật chỉ định tổ chức được quyền chứng nhận sự phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật do mình ban hành trên cơ sở xem xét, lựa chọn tổ chức chứng nhận sự phù hợp quy định tại Điều 50 của Luật này.

Tổ chức chứng nhận sự phù hợp được chỉ định thực hiện chứng nhận hợp quy theo phương thức do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.

Quyền và nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp quy (Điều 49):

- Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp quy có các quyền: lựa chọn tổ chức chứng nhận sự phù hợp đã được chỉ định theo quy định tại khoản 3 Điều 47 của Luật; được cấp giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường đã được chứng nhận hợp quy; sử dụng dấu hợp quy trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói của sản phẩm, hàng hoá, trong tài liệu về sản phẩm, hàng hoá đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; khiếu nại về kết quả chứng nhận hợp quy, vi phạm của tổ chức chứng nhận sự phù hợp đối với hợp đồng chứng nhận hợp quy.

- Tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận hợp quy có các nghĩa vụ: bảo đảm sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; thể hiện đúng các thông tin đã ghi trong giấy chứng nhận hợp quy, bản công bố hợp quy trên sản phẩm, hàng hoá, bao gói của sản phẩm, hàng hoá, trong tài liệu về đối tượng đã được chứng nhận hợp quy, công bố hợp quy; cung cấp tài liệu chứng minh việc bảo đảm sự phù hợp của sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc tổ chức chứng nhận sự phù hợp; tạm dừng việc cung cấp sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; trả chi phí cho việc chứng nhận hợp quy.

Mục 4. Tổ chức chứng nhận sự phù hợp:

Theo quy định của Điều 50, các tổ chức chứng nhận sự phù hợp gồm: đơn vị sự nghiệp hoạt động dịch vụ kỹ thuật; doanh nghiệp; chi nhánh của tổ chức chứng nhận nước ngoài tại Việt Nam.

Tổ chức chứng nhận sự phù hợp có quyền cấp giấy chứng nhận hợp chuẩn hoặc giấy chứng nhận hợp quy cho sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường phù hợp với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật; giao quyền sử dụng dấu hợp chuẩn hoặc dấu hợp quy cho tổ chức, cá nhân có sản phẩm, hàng hoá đã được chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy; thu hồi giấy chứng nhận hợp chuẩn hoặc giấy chứng nhận hợp quy, quyền sử dụng dấu hợp chuẩn hoặc dấu hợp quy đã cấp.

Đồng thời, tổ chức chứng nhận sự phù hợp có các nghĩa vụ: thực hiện chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy theo lĩnh vực đã đăng ký trên cơ sở hợp đồng ký kết với tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận; bảo đảm tính khách quan và công bằng trong hoạt động chứng nhận hợp chuẩn hoặc chứng nhận hợp quy; không được thực hiện hoạt động tư vấn cho tổ chức, cá nhân đề nghị chứng nhận; bảo mật các thông tin thu thập được trong quá trình tiến hành hoạt động chứng nhận; giám sát đối tượng đã được chứng nhận nhằm bảo đảm duy trì sự phù hợp của đối tượng đã được chứng nhận với tiêu chuẩn hoặc quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hoạt động của mình; thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng về việc thu hồi giấy chứng nhận và quyền sử dụng dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy (Điều 52).

Mục 5. Công nhận, thừa nhận lẫn nhau:

Hoạt động công nhận được tiến hành đối với các tổ chức : phòng thử nghiệm; phòng hiệu chuẩn; tổ chức chứng nhận sự phù hợp; tổ chức giám định. Căn cứ để tiến hành hoạt động công nhận là tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế.

Hoạt động công nhận do tổ chức công nhận là đơn vị sự nghiệp khoa học thực hiện nhằm đánh giá, công nhận năng lực của các tổ chức nói trên.

Tổ chức được công nhận có quyền được đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền sử dụng kết quả hoạt động đánh giá sự phù hợp về chứng nhận, thử nghiệm, hiệu chuẩn, giám định đã được công nhận phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước; khiếu nại về kết quả công nhận, vi phạm của tổ chức công nhận đối với cam kết thực hiện việc công nhận; tổ chức chứng nhận sự phù hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 của Luật còn có các quyền quy định tại khoản 1 Điều 52 của Luật.

Tổ chức được công nhận có các nghĩa vụ: bảo đảm bộ máy tổ chức và năng lực đã được công nhận phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng; duy trì hệ thống quản lý phù hợp với yêu cầu của tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế tương ứng; bảo đảm tính khách quan, công bằng trong hoạt động đánh giá sự phù hợp; tổ chức chứng nhận sự phù hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 53 của Luật còn phải thực hiện nghĩa vụ quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật; trả chi phí cho việc công nhận (Điều 56).

Điều 57 Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật quy định về thoả thuận thừa nhận lẫn nhau, cụ thể:

- Thoả thuận thừa nhận lẫn nhau bao gồm: việc Việt Nam và các quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau được thực hiện theo điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; việc tổ chức đánh giá sự phù hợp của Việt Nam và tổ chức đánh giá sự phù hợp của các quốc gia, vùng lãnh thổ thừa nhận kết quả đánh giá sự phù hợp của nhau được thực hiện trên cơ sở thoả thuận giữa các bên.

- Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với bộ, cơ quan ngang bộ có liên quan tổ chức thực hiện các thoả thuận thừa nhận lẫn nhau.

Chương V. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật Chương này quy định về trách nhiệm của Chính phủ, Bộ Khoa học và Công nghệ, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh và các hội, hiệp hội hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật.

Chương VI. Thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tranh chấp về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật. Chương này quy định về thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật; quyền khiếu nại, tố cáo và việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo, tranh chấp về hoạt động trong lĩnh vực tiêu chuẩn và lĩnh vực quy chuẩn kỹ thuật.

Chương VII. Điều khoản thi hành quy định về điều khoản chuyển tiếp, hiệu lực thi hành và hướng dẫn thi hành Luật.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Việc ban hành Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật đã tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc đổi mới toàn diện tổ chức, nội dung và phương thức hoạt động tiêu chuẩn và hoạt động quy chuẩn kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của sự phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập kinh tế quốc tế. Đây là một bước cơ bản trong quá trình hoàn thiện pháp luật về tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật; góp phần bảo đảm và thúc đẩy quá trình nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của từng doanh nghiệp, từng ngành và của toàn bộ nền kinh tế, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế của Việt Nam.

Tiêu chuẩn là quy định về đặc tính kỹ thuật và yêu cầu quản lý dùng làm chuẩn để phân loại, đánh giá sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, quá trình, môi trường và các đối tượng khác trong hoạt động kinh tế - xã hội nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả của các đối tượng này. Tiêu chuẩn do một tổ chức công bố dưới dạng văn bản để tự nguyện áp dụng.

Luật nhấn mạnh việc xã hội hoá hoạt động tiêu chuẩn thông qua sự tham gia rộng rãi của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp và các hội, hiệp hội trong quá trình xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; đề cao vai trò trách nhiệm của các Bộ trong việc xây dựng, phê duyệt dự thảo tiêu chuẩn quốc gia thuộc lĩnh vực quản lý chuyên ngành. Vì vậy, cần đảm bảo sự thống nhất về kỹ thuật và nghiệp vụ xây dựng tiêu chuẩn để giảm thiểu sự chồng chéo và nâng cao hiệu quả của hệ thống, phù hợp với xu hướng cải cách hành chính và thông lệ quốc tế.

Với tinh thần đó, Luật quy định việc thẩm định và công bố tiêu chuẩn quốc gia sẽ tập trung cho một cơ quan đầu mối quản lý nhà nước về tiêu chuẩn là Bộ Khoa học và Công nghệ.

Quy chuẩn kỹ thuật là quy định về đặc tính, yêu cầu kỹ thuật và quản lý bắt buộc áp dụng đối với sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ,... nhằm đảm bảo các yêu cầu về vệ sinh, an toàn, sức khỏe con người, động thực vật, bảo vệ môi trường, an ninh quốc gia và các yêu cầu thiết yếu khác. Vai trò của các quy chuẩn kỹ thuật ngày càng trở nên quan trọng và trở thành trọng tâm của hoạt động thực thi Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất, đời sống. Đây chính là công cụ quản lý nhà nước của các Bộ, ngành nhằm kịp thời đáp ứng yêu cầu quản lý ngành, lĩnh vực, ngăn chặn các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ kém chất lượng, ảnh hưởng đến môi trường, sức khoẻ, tính mạng con người; và đó cũng là biện pháp kỹ thuật để bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích doanh nghiệp và người tiêu dùng Việt Nam trước những nguy cơ tiềm ẩn.

Do vậy, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ trong phạm vi ngành, lĩnh vực được phân công sẽ chủ động tổ chức xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

Đánh giá sự phù hợp với tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật là biện pháp quan trọng nhằm áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật trong thực tiễn sản xuất, kinh doanh, góp phần đưa các quy định này đi vào cuộc sống. Với tầm quan trọng của vấn đề này, Luật dành riêng một Chương (Chương IV) quy định cụ thể về đánh giá sự phù hợp. Theo đó, cơ chế này được thực hiện tự nguyện đối với tiêu chuẩn và bắt buộc áp dụng đối với quy chuẩn kỹ thuật.

Để sớm đưa Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật áp dụng vào cuộc sống, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan cần phải tiến hành một số công việc sau đây:

- Khẩn trương nghiên cứu, xây dựng và trình Chính phủ ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật; ban hành các văn bản cấp Bộ hướng dẫn việc xây dựng, công bố, áp dụng tiêu chuẩn, xây dựng, ban hành và áp dụng quy chuẩn kỹ thuật và thủ tục đánh giá sự phù hợp.

- Tiến hành rà soát toàn bộ hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đã ban hành để huỷ bỏ những tiêu chuẩn đã lạc hậu, sửa đổi, ban hành các tiêu chuẩn quốc gia mới phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế; rà soát toàn bộ các tiêu chuẩn ngành để chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc tiêu chuẩn quốc gia; tiến hành rà soát các quy trình, quy phạm, quy định kỹ thuật để chuyển đổi thành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia.

- Các cơ quan quản lý nhà nước ở Trung ương và địa phương, trước hết là Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Luật trong ngành, trong các doanh nghiệp và đông đảo nhân dân./.

---------------------------------

 

 



[1] . Trong đó, hơn 5.600 TCVN hiện còn hiệu lực, 2.400 TCVN đã được rà soát và bãi bỏ do không còn phù hợp với thực tiễn.

[2] . Nguồn cơ bản của hoạt động tiêu chuẩn hoá là Pháp lệnh Chất lượng hàng hóa năm 1999, đến nay đã không còn phù hợp với thực tiễn phát triển trong nước và thông lệ quốc tế. Với gần 140 văn bản hướng dẫn thi hành và các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan, hệ thống pháp luật trong lĩnh vực này bộc lộ rõ sự tản mạn, chồng chéo và thiếu đồng bộ.

[3] . Trong đó, Tiêu chuẩn Việt Nam và Tiêu chuẩn ngành có loại tự nguyện, có loại bắt buộc áp dụng.

[4] . Hiện chỉ có khoảng 24% tiêu chuẩn Việt Nam hài hoà với tiêu chuẩn quốc tế.